[SỰ THẬT] Mô hình Ponzi là gì? Cách để nhận biết một dự án Ponzi lừa đảo?

Mô hình Ponzi, một cụm từ đã quá quen thuộc với các nhà đầu tư mới hoặc đang chuẩn bị bước chân vào nghề. Tuy nhiên, thực sự đã có bao nhiêu người tìm hiểu và nắm rõ về nó? Hay là chỉ nghe lướt rồi bỏ ngoài tai.

Kết quả thực tế hơi đáng thất vọng, bởi vẫn đang có hàng chục dự án Ponzi lừa đảo hoạt động theo cách thức “bình cũ rượu mới” mà vẫn có thể chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ của các nhà đầu tư.

Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn hiểu rõ về mô hình Ponzi: Nó là gì? Hoạt động như thế nào? Và quan trọng hơn là làm thế nào để nhận biết và tránh được các dự án crypto đa cấp lừa đảo.

[SỰ THẬT] Mô hình Ponzi là gì? Cách để nhận biết một dự án lừa đảo?

Bây giờ, hãy cùng mình bắt đầu ngay nhé.

Mô hình Ponzi là gì?

Ponzi la gi

Ponzi thực chất chỉ là một mô hình lừa đảo.

Cái tên của nó xuất phát từ nhân vật Charles Ponzi – Một trong những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ  khi lừa được hơn 15 triệu USD vào những năm 1920 (tại thời điểm đó thì đây là một số tiền rất lớn).

Sau vụ “siêu lừa đảo” này mặc dù Charles Ponzi đã bị bắt và phải gánh chịu hậu quả mà mình đã gây ra, nhưng mô hình lừa đảo của ông thì lại được nhiều người biết đến và tiếp tục phát triển cho đến tận ngày nay.

Hiện nay, mô hình lừa đảo Ponzi được sử dụng bởi những “kẻ lừa đảo thế hệ 4.0” dưới hình thức tinh vi và khó nhận biết hơn. Mặc dù bản chất là không hề thay đổi, nhưng mô hình Ponzi vẫn thành công trong việc lừa đảo hàng trăm nghìn nạn nhân trên khắp thế giới.

Charles Ponzi là ai?

Charles Ponzi sinh năm 1882 tại Ý. Dù được nhận vào học tại Đại học Rome, Ponzi xem đó như là một kỳ nghỉ dài để rồi khi hết tiền, ông buộc phải bỏ học và lên tàu tới kiếm sống ở Boston, Massachusetts (Mỹ). Toàn bộ số tiền mang theo cũng bị ông nướng sạch vào các cuộc đỏ đen và chỉ còn vỏn vẹn $2.50 khi tàu cập bến.

Charles-ponzi-la-ai-1-min

Nguồn: elistmania.com

Tại xứ sở mới, Ponzi dành ra vài năm làm nhiều việc để kiếm sống. Thậm chí, có lúc ông rửa bát cho một nhà hàng và ngủ ngay trên sàn nhà. Nhưng nhờ làm việc chăm chỉ, Ponzi được thăng cấp lên vị trí bồi bàn để rồi bị sa thải vì tội lừa gạt khách hàng và trộm cắp.

Thất nghiệp, Ponzi tìm tới Montreal, Canada và trở thành người thu ngân trong chi nhánh mới mở của ngân hàng Banco Zarossi. Để thu hút khách, ông chủ Zarossi trả khoản lợi tức gấp đôi các đối thủ cạnh tranh cho bất cứ ai chịu gửi tiền vào ngân hàng của ông ta. Dù ăn nên làm ra, kì thực ngân hàng đang gặp rắc rối vì các khoản nợ xấu và hoàn toàn không có bất kì một khoản đầu tư nào. Để duy trì hoạt động, Zarossi thường lấy tiền của người sau trả cho người trước. Zarossi trốn sang Mexico trước khi ngân hàng sụp đổ.

Sau một thời gian lang bạt và nhiều lần bị bắt vào tụ vì tội lừa đảo, Ponzi trở về Boston, yêu và cưới một cô gái trẻ có tên Rose Gnecco. Muốn cho vợ mình sớm được hưởng đời nhung lụa, Ponzi lao vào kiếm tiền. Ông từng đưa ra ý tưởng mà sau này người ta hình thành cuốn niên giám Yellow Pages để bán quảng cáo cho khách hàng, nhưng thất bại.

Charles-ponzi-la-ai-2-fx24-min

Một hôm Ponzi nhận được lá thư từ một công ty ở Tây Ban Nha đề nghị trao đổi về ý tưởng kinh doanh của anh. Trong thư có một tấm phiếu IRC. IRC có thể sử dụng như một con tem và đã được nhiều nước chấp nhận. Vì giá tem mỗi nơi một khác, Ponzi phát hiện ra cơ hội làm giàu béo bở: Mua IRC tại Ý và các nước ngoài Mỹ, nơi giá rất rẻ và bán nó với giá cao tại Mỹ. Ponzi nhẩm tính khoản lợi nhuận thu được, sau khi trừ chi phí, có thể vượt quá 400% và việc này hoàn toàn hợp pháp.

Xem Thêm  Guide to Gods Unchained - Trò chơi đánh bài kiếm tiền trên blockchain

Có kế hoạch, Ponzi bắt đầu mở công ty mang tên “Securities Exchange Company” ở Boston và tìm sự giúp đỡ tài chính. Ông kêu gọi bạn bè cho mượn tiền và hứa trả họ lãi suất lên tới 50% trong vòng 45 ngày. Một vài người mạnh dạn bỏ tiền đầu tư và được trả lãi như đã cam kết. Tiếng lành đồn xa, các khoản đầu tư thi nhau chảy về. Ponzi thuê mướn hàng loạt nhân viên và hứa sẽ trả khoản lợi tức khổng lồ cho các nhà đầu tư. Tới tháng 2/1920, Ponzi đã có trong tay 5.000 USD, một khoản tiền khổng lồ khi đó. Đến tháng 3, ông đã có 30.000 USD. Tiền làm Ponzi lóa mắt. Ông thuê mướn hàng loạt nhân công và gom tiền tại toàn bộ các khu vực New England và New Jersey. Nhà đầu tư được trả lãi lớn đã mạnh dạn động viên bạn bè, người thân tham gia.

Charles-ponzi-la-ai-3-fx24-min

Tới tháng 5, Ponzi đã có 420.000 USD. Người người bán nhà, đập lợn tiết kiệm, mang tới cho Ponzi. Phần lớn khi nhận được tiền lãi lại tái đầu tư cho Ponzi với hy vọng sẽ được hưởng lợi tức lên tới 100%. Vào tháng 7, Ponzi đã có gần 8 triệu USD.

Thành công trong việc huy động vốn nhưng Ponzi lại chẳng thể nào kiếm đủ IRC để đầu tư và sinh lãi. Dù vậy, ông sống rất xa hoa, mua cả lâu đài, xe hạng sang, đầu tư vào các ngân hàng, doanh nghiệp… Tới tháng 8 cùng năm, người ta phát hiện Ponzi đang trả lãi cho nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới. Hành động này vốn được gọi là “cướp người này trả cho người kia”, giờ đã có cái tên chính thức là “kiểu lừa Ponzi”. Cho tới khi đổ bể, bằng cách lừa đảo này Ponzi đã khiến các nhà đầu tư mất trắng 20 triệu USD, đồng thời khiến 6 ngân hàng phá sản.

Năm 1920, Ponzi bị truy tố vì tội lừa đảo và phải thụ án một thời gian trong các nhà tù liên bang trước khi bị trục xuất về Italy vào năm 1934. Ông ta chết trong cảnh trắng tay tại Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1949 và được chôn trong một nghĩa trang của người nghèo.

Mô hình lừa đảo Ponzi hoạt động như thế nào?

Lấy tiền người sau, trả cho người trước.

Đây chỉ là một câu nói đơn giản nhưng nó lại mô tả được chính xác về cách thức hoạt động của mô hình Ponzi.

Ban đầu, kẻ lừa đảo sẽ thuyết phục một nhà đầu tư tham gia dự án.

Khoản tiền của nhà đầu tư đó sẽ được chuyển đến quỹ, và quỹ này cũng chỉ được duy trì bởi một nguồn tiền duy nhất đó là từ các nhà đầu mới.

Sau đó, hắn tiếp tục thuyết phục thêm nhiều nhà đầu tư khác tham gia.

Cho đến kỳ hạn trả lãi đầu tiên, nhà đầu tư đến trước sẽ nhận được lãi từ tiền của các nhà đầu tư đến sau mới góp vào. Vì nhận được tiền thật, nên rất có thể họ sẽ tiếp tục tái đầu tư hoặc đầu tư với số vốn lớn hơn.

Từ đó, quỹ dự án lại có thêm một nguồn tiền mới để trả cho các nhà đầu tư sắp đến kỳ hạn trả lãi tiếp theo.

Vòng tròn này sẽ tiếp tục được lặp lại cho đến khi đã có quá nhiều người tham gia, và dòng tiền của các nhà đầu tư đến sau không còn đủ trả cho các nhà đầu tư đến trước. Khi đó mô hình sụp đổ.

Kẻ lừa đảo sẽ ôm trọn số tiền đang nằm trong quỹ và biến mất, càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào dự án trước đó thì hắn lại càng lừa được nhiều tiền.

Thoạt nhìn, mọi người sẽ chỉ thấy đây là một hình thức đầu tư hấp dẫn với mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của nó là những người tham gia cuối cùng sẽ không nhận được đồng nào.

Xem Thêm  Kalao ($ KLO) là gì? Thị trường NFT một cửa. Đưa Thư viện 3D, công nghệ VR vào các trường hợp sử dụng trong thế giới thực

Sự khác biệt giữa Ponzi và mô hình Kim tự tháp

Ngoài mô hình lừa đảo Ponzi, còn có một mô hình lừa đảo khác mà chúng ta thường gặp đó là mô hình kim tự tháp (Pyramid). Mô hình kim tự tháp là một loại biến tướng của MLM (Multi-level Marketing) hay còn gọi là tiếp thị đa cấp.

Bản chất của tiếp thị đa cấp là không xấu, bởi nó tập chung vào việc bán hàng, đề cao sản phẩm và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. MLM được công nhận là một mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam và cũng được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

mo hinh Ponzi

Tuy nhiên, mô hình kim tự tháp hay tiếp thị đa cấp lừa đảo thì lại khác. Mặc dù có cách thức hoạt động giống với mô hình MLM chính thống nhưng nó lại không tập chung vào sản phẩm.

Nghĩa là người tham gia không kiếm tiền dựa trên nỗ lực bán hàng, mà lại dựa trên việc mời gọi để kiếm tiền từ những người đến sau. Thậm chí nó còn không có một sản phẩm hoặc có nhưng sản phẩm rất tệ  chỉ dùng để ngụy trang đánh lạc hướng “con mồi”.

Chính vì vậy, bạn cần phải tỉnh táo để phân biệt đâu là mô hình tiếp thị đa cấp chính thống hợp pháp, và đâu là mô hình tiếp thị đa cấp biến tướng lừa đảo.

Bây giờ quay trở lại nội dung chính, mình sẽ giúp bạn phân biệt hai mô hình lừa đảo: Mô hình Ponzi và kim tự tháp.

Điểm giống nhau:

  • Cả hai đều lợi dụng vào lòng tham của “con mồi”, hứa hẹn một mức lợi nhuận cao, cao đến bất thường để mời gọi tham gia.
  • Cả hai đều duy trì một hoặc nhiều khoản quỹ nhưng những quỹ đó chỉ có dòng tiền duy nhất đến từ người tham gia, chứ không có dòng tiền nào đến từ các hoạt động kinh doanh hay đầu tư hợp pháp.
  • Thông thường, các dự án kinh doanh hoặc đầu tư do cả hai mô hình vẽ nên thường không có sản phẩm, hoặc chỉ có sản phẩm kém chất lượng hay sản phẩm ảo không có giá trị.

Điểm khác nhau:

  • Mô hình Ponzi thường được ngụy trang dưới vỏ bọc của một dự án đầu tư hấp dẫn. Người tham gia tin tưởng rằng lợi nhuận họ kiếm được là hoàn toàn hợp pháp, nhưng thực tế lại là cướp của người sau để trả cho người trước. Mô hình sẽ tự sụp đổ khi có quá nhiều người tham gia và hệ thống không còn đủ khả năng trả lãi.
  • Mô hình kim tự tháp thường được ngụy trang dưới vỏ bọc của một dự án kinh doanh tiềm năng. Thay vì kiếm tiền từ việc bán hàng người tham gia lại tập chung vào việc mời gọi (bởi kẻ đứng sau đã cố tình làm cho lợi nhuận của cách này cao hơn). Nhiều người vào sau nếu không mời gọi được ai, không kiếm được tiền thì họ sẽ tự vạch làm đánh sập hệ thống.

Kẻ xấu sử dụng mô hình Ponzi vào crypto như thế nào?

Không chỉ sử dụng mô hình Ponzi, nhiều kẻ lừa đảo còn kết hợp thêm mô hình kim tự tháp để phi vụ lừa đảo của chúng thành công hơn.

Công thức chung của một dự lừa đảo núp bóng crypto là:

Đầu tiên, cần có một thứ gì đó trông rất thật. Chẳng hạn như một website chuyên nghiệp về dự án, một mã nguồn, một ứng dụng, một hệ thống, thậm chí là một đồng crypto (nhưng là đồng crypto rác, không có giá trị),… Tất cả những thứ này đều có thể được tạo ra dễ dàng với một số vốn nhỏ.

Tiếp theo đó là một cơ chế trả lãi và trả thưởng vô cùng rối rắm, mà cho dù người tham gia có nghiên cứu kỹ như thế nào thì cũng không thể hiểu được. Và về cơ bản thì không thể thiếu hai hình thức là trả lãi theo thời hạn (của Ponzi) và trả hoa hồng khi mời người mới (của kim tự tháp).

Cuối cùng là hứa về một mức lợi nhuận không thể cưỡng lại, thường là khoảng 40% – 100% mỗi năm, cộng thêm một vài ví dụ điển hình về các nhà đầu tư thành công trước đó với hình ảnh của siêu xe, biệt thự, du lịch, thảm đỏ,… Chỉ với những thứ như vậy, đã có rất nhiều nhà đầu tư thiếu kiến thức bị mắc lừa.

Xem Thêm  Rikkei Finance là gì? Đánh giá chi tiết về Rikkei Finance và đầu tư token RIFI

Điển hình ở Việt Nam có vụ BitConnect vào năm 2017, mặc dù được rất nhiều đơn vị truyền thông chính thống cảnh báo nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp vì lợi nhuận. Kết quả là đến tháng 1/2018 BitConnect sập, bốc hơi cùng toàn bộ phần lớn số tiền của các nhà đầu tư.

Các dấu hiệu để nhận biết một dự án đa cấp tiền ảo

Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau để nhận biết một mô hình Ponzi núp bóng tiền mã hóa, tuy nhiên dưới đây là những dấu hiệu đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng được.

Cam kết lợi mức nhuận cao, ít rủi ro.

Lợi nhuận cao bất thường, từ vài chục đến vài trăm % /năm, nhưng lại ít khi nói về những rủi ro có thể gặp phải.

Lợi nhuận ổn định ngay cả khi thị trường biến động.

Tiền mã hóa là một thị trường có sự biến động mạnh về giá.

Nếu cả thị trường đỏ lửa và giảm mạnh nhưng một dự án crypto vẫn đang tạo ra lãi đều đều và gần như không bị ảnh hưởng thì lúc đó bạn cần phải nghi ngờ.

Hình thức đầu tư được giữ kín hoặc mô tả phức tạp.

Nếu bạn không biết tiền của mình được sử dụng để làm gì, đi đến đâu và tạo ra lợi nhuận như thế nào thì bạn không nên đầu tư.

Có hoa hồng nhiều tầng, hoa hồng cao.

Hoa hồng nhiều tầng là đặc điểm của một dự án tiếp thị đa cấp. Nếu mức hoa hồng này rất cao và nó là hình thức kiếm tiền chính của cả dự án, vậy thì bạn nên tránh xa.

Sản phẩm rất tệ hoặc không tồn tại.

Một dự án đầu tư hoặc kinh doanh mà không có sản phẩm nào thì chắc chắn nó là lừa đảo. Còn nếu có sản phẩm, bạn phải kiểm tra xem những sản phẩm đó có sử dụng tốt không, có nhu cầu từ khách hàng thật hay không.

Quảng cáo một cách quá lố, sai sự thật.

Ví dụ như: đồng crypto của tương lai, sẽ thay thế bitcoin, vô cùng tiện dụng và hữu ích, giá trị sẽ tăng gấp vài nghìn lần,…

Người tham gia rất khó để rút tiền khỏi dự án.

Người tham gia đầu tư gần như không có cách nào để rút tiền khỏi dự án, chỉ có thể rút được các đồng crypto hoặc những con số ảo trên hệ thống mà không biết chúng có giá trị thật hay không.

Người đứng sau ẩn danh hoặc không có lai lịch rõ ràng.

Thường được giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đại học danh tiếng nhưng lại không thể tìm thấy bất cứ thông tin nào ngoài những tài khoản mạng xã hội trắng hoặc những bài báo đầy tính chất khen ngợi.

Cách để tự bảo vệ bản thân

Để tránh bị lừa thực ra cũng không quá khó, bạn chỉ cần nắm rõ và tuân thủ được những nguyên tắc sau đây:

  • Hiểu rõ bản chất của các hình thức đầu tư trước khi tham gia.
  • Luôn cẩn trọng trước những cơ hội từ trên trời rơi xuống.
  • Đặt ra những nghi vấn về điểm mập mờ trong một dự án.
  • Tìm hiểu kỹ các thông tin về dự án và người đứng sau nó.
  • Giữ cái đầu lạnh, dựa vào chỉ báo chứ không dựa vào cảm xúc.
  • Nếu chẳng may bị lừa đảo, hãy tố giác hoặc vạch trần chúng để những người khác không bị mắc lừa thêm.

Kết luận

Như vậy là qua bài viết này mình đã chia sẻ với bạn tất cả những điều cần biết về mô hình Ponzi: Từ nguồn gốc, cách thức hoạt động, cách nhận biết, đến cách phòng tránh,…

Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích, giúp bạn tránh được những dự án lừa đảo trong tương lai.

Nếu bạn muốn bảo vệ người thân của mình, hãy chia sẻ với họ bài viết này nhé.

5/5 - (2 bình chọn)
--------

Hệ sinh thái cộng đồng của BD Ventures: https://linktr.ee/bdventures